PDA

View Full Version : Cửa hàng sách báo cũ tại Sài Gòn


ngphk
25-05-2012, 06:03 PM
(Xin phép Khai trương cửa hàng này bằng một bài về sách cũ)

chuyên mục sách cũ là nơi là chia sẻ vời nhau những cuốn sách hay, những cuốn sách mà chúng ta tâm đắc.


Người Sài Gòn yêu sách không ai không biết đến những con đường có nhiều cửa hàng bán sách báo cũ như Nguyễn Thị Nhỏ trước đây hay Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn hiện nay.

Các cửa hiệu sách báo cũ đang xuất hiện ngày một nhiều hơn…

Thật khó để biết chính xác những cửa hiệu sách cũ ấy ra đời từ lúc nào. Sau ngày 30-4-1975, đó đây trên các đường phố Sài Gòn xuất hiện những chiếc xe ba gác chất đầy sách cũ và những “chiếu sách”, đúng hơn là những tấm nilông, trải bên vệ đường bày bán sách cũ. Rất có thể trong số những anh “xe ba gác”, những cô “chiếu sách” ngày nào đã trở thành những người có máu mặt trong làng sách cũ hôm nay.

Không gian hoài cổ

Cảm nhận chung của tất cả những người từng mua sách ở đây có lẽ chính là không gian khá yên ắng, pha chút cổ xưa quyện lẫn cái mùi giấy cũ đặc trưng. Ấy vậy mà những kẻ đã trót mê sách cũ như một thú chơi văn hóa ăn sâu vào máu dăm bữa không ghé thì nhớ không chịu được.

Không có những giá sách sang trọng cũng không có những bóng đèn điện sáng trưng với không gian thoáng đãng, rộng rãi; cửa hàng sách cũ được bày biện hết sức đơn giản. Những chồng sách cao ngất nghểu được bày ngay giữa lối đi, trên các miếng ván kê lên mấy chiếc ghế thấp hay mấy cục gạch. Nơi “chuyên nghiệp” hơn cũng chỉ có những chiếc kệ bằng gỗ thường, sang hơn chút nữa là những kệ gỗ lâu năm đã lên nước đen bóng.

Tuy cũng được phân theo từng loại cụ thể như văn học, lịch sử, khoa học, kỹ thuật, ngoại ngữ… nhưng nếu muốn tìm được một cuốn sách như ý, khách mua có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ tìm hiếm; còn nếu muốn tiết kiệm thời gian, tốt nhất là hỏi ngay chủ tiệm. Thêm nữa, “hàng họ” không phải lúc nào cũng đều được trưng lên giá. Phần lớn các cửa hiệu sách cũ đều có kho chứa, hàng “độc”, “hiếm” thường ít bày trên kệ.

Không chỉ là sách cũ

Thật nhầm lẫn nếu nghĩ rằng các hiệu sách cũ chỉ bán mỗi… sách cũ. Có cuốn xuất bản cách nay đến thế kỷ, song cũng có những cuốn vừa mới xuất bản, đang có mặt ở các hiệu sách; có sách giáo trình, có sách nghiên cứu, cũng có sách chỉ để nhâm nhi những lúc nhàn tản, thảnh thơi…

Các cửa hàng này cũng có thể coi là các sạp báo bởi báo được bày bán ở đây rất phong phú, được trưng bày ngay trước cửa hàng ở vị trí bắt mắt nhất; cả báo ta lẫn báo Tây. Mặt hàng độc đáo nhất và có lẽ chẳng nơi nào bán ngoài các cửa hàng sách cũ chính là những bài báo cáo, những bài thực tập, tiểu luận… của sinh viên trong các trường đại học. Những tài liệu này tuy chưa hẳn là những bài mẫu, chuẩn xác về kiến thức nhưng lại rất được các bạn trẻ quan tâm tìm kiếm.

Sách cũ đến các cửa hàng từ nhiều nguồn, từ “kho sách tư” đến “kho sách công”, từ mua sỉ của các lò ve chai bán ký đến mua lẻ từng cuốn một nên giá cả rất bất chừng. Chuyện tăng hay bớt giá sách có khi lại tùy thuộc mối thiện cảm của người bán với người mua, thậm chí đôi khi còn tùy tâm trạng từng lúc của chủ cửa hàng. Kinh nghiệm hữu hiệu nhất mà các “thượng đế” thường vận dụng, nhắc nhở nhau là đừng bao giờ để cho nhà chủ biết mình đang quá ưa thích một cuốn nào đó.

Sách và người

Hầu như tất cả cửa hàng tư nhân này thường do một người làm chủ cộng thêm 2-3 người phụ giúp việc trông coi và bán sách. Không ngạc nhiên khi biết những ông chủ, bà chủ này thuộc vanh vách tên những cuốn sách, tác giả từ cổ chí kim, từ lĩnh vực toán học đến tôn giáo… Cũng có thể do nghề nghiệp buộc họ phải nằm lòng tác giả và tác phẩm như vậy nhưng không thể phủ nhận nhiều người trong số họ cũng là những kẻ ghiền sách.

Dường như chính những cuốn sách, mà theo họ là có hương vị, phong vị riêng, theo thời gian đã dần tạo nên cái “hồn” của kẻ bán sách và dân chơi sách cũ. Giới chơi sách cũ Sài Gòn thường truyền nhau những câu chuyện về một chàng thanh niên suốt gần chục năm trời ăn cùng sách cũ, sống cùng sách cũ để đến một ngày chính nhờ sách anh đã thực hiện được ước mơ là đặt chân vào giảng đường đại học rồi trở thành một kỹ sư thành đạt. Hay như chuyện một giảng viên đại học, bên cạnh tấm lòng đầy nhiệt huyết dành cho nghề giáo vẫn không quên để một chút “tấc lòng” cho quầy sách cũ.

Và cả câu chuyện về người dành trọn đời mình đi chứng minh cho cái gọi là “Định luật bảo toàn thời gian” để rồi ngày lại ngày chỉ biết bầu bạn cùng những cuốn sách, xem những người mua sách cũ như kẻ tri âm… Họ vẫn lấy sách làm thú vui, lấy việc đi “lùng” sách làm lẽ sống để mỗi khi có bạn hàng quen đến tìm chỉ biết chậc lưỡi lắc đầu vì không gặp được sách muốn tìm!

Nếu chịu khó la cà trên những con phố ấy, những gian hàng ấy, bạn còn bắt gặp không ít những con người đúng là nguồn sống cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của các cửa hàng bán sách cũ. Đó là những người trẻ tuổi nhưng đã sớm mê các quầy sách cũ bởi ở đó họ được tha hồ chọn lựa, lục tìm những kho tàng tri thức tuyệt diệu có tuổi đời đôi khi còn già hơn chính họ.

Bởi chỉ ở đó họ mới mua được những cuốn sách có giá trị, sách quí hoặc những cuốn giáo trình, những bài tập thực hành, những bài tiểu luận… cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu của họ với giá rất đỗi bình dân. Đó là những người già đã ghiền những cuốn sách được đóng bìa da chữ mạ vàng sắc sảo mà tay họ có thể lướt trên những trang giấy làm bằng các chất liệu khó lòng tìm thấy được ở những cuốn sách mới.

Sức hấp dẫn của các cửa hàng này đang lan dần đến lớp học sinh phổ thông. Cứ chiều chiều sau giờ tan học, các thiếu niên mặc đồng phục áo trắng, quần xanh vẫn thường rủ nhau ghé qua cửa hàng để lục tìm trong đống truyện tranh được xuất bản từ lâu mà các em chưa có dịp đọc hay cả những cuốn vừa mới xuất bản nhưng ở đây chúng có cái giá “mềm” hơn nhiều. Người giỏi ngoại ngữ cũng đến đây tìm sách, báo với đủ loại ngôn ngữ vốn dĩ rất đắt trong các hiệu sách mới. Rất thường xuyên ở các cửa hàng này ta bắt gặp những nam thanh nữ tú trong y phục làm việc tranh thủ giờ nghỉ trưa hay tạt vào để tìm cho bằng được một bản nhạc hay hoặc tập sách về những câu chuyện tình nổi tiếng thế giới…

Sẽ thật đáng tiếc cho những ai chưa một lần ghé qua cái góc sách Sài Gòn ấy để được biết cái thú vui đi lùng tìm sách cũ, để được biết cái phong vị sách cũ lạ lẫm mà sách mới chẳng thể mang lại được, và để được cảm nhận điều mà nhà báo Yên Ba đã phát hiện: “Qua những người chơi sách cũ và những người bán sách cũ, tôi đã tìm thấy được một nét đẹp trong tâm hồn của người Sài Gòn”!

MINH THANH (from Tuổi Trẻ Online)

soncuoc2003
25-05-2012, 06:03 PM
bạn ơi cho minh hỏi! bạn biết ở đâu có bán truyện tranh cu không thế bạn?

vietnam
25-05-2012, 06:03 PM
Bạn hỏi cửa hàng ở Hn hay TP HCM?

Ở Hn mình biết một Cửa hàng ở số 1 Nguyễn viết Xuân, Ở Nguyễn Ngọc Nại cũng có một cửa hàng nhưng mình ko nhớ số nhà , chỉ nhớ là ở đoạn giữa.

Ai biết nữa chỉ cho bạn xnguoixx với