PDA

View Full Version : Đi chợ Tết để mua... đồ cổ


thanhlong_company
25-05-2012, 06:13 PM
Đi chợ Tết để mua... đồ cổ



Phố Hàng Mã những ngày cuối năm dường như tấp nập, nhộn nhịp hơn ngày thường, bởi nơi đây đang diễn ra một phiên chợ rất đặc biệt, nó đặc biệt vì cả người bán, người mua và người đi ngắm... đều tìm đến để giao lưu, phô diễn là chính. Đặc biệt hơn, chợ đồ cổ chỉ có ở Hà Nội và tồn tại trong một thời gian ngắn vào dịp giáp Tết.

http://www.hanoimoi.com.vn/images/normal/2008/02/200802051215082_5.2DCO.jpg

Cứ độ 20 tháng 12 Âm lịch, những người mê cổ vật lại tới phố Hàng Mã để săn lùng cổ vật. Đến chợ, họ được gặp gỡ với những người tri âm- những người cùng sở thích tầm đồ cổ. Dường như không quan tâm đến sự nhộn nhịp của phiên chợ tất niên nhộn nhịp ngoài kia, mà đối với họ chợ đồ cổ mới thực sự là phiên chợ cuối năm ý nghĩa.

Trong 10 ngày diễn ra phiên chợ, cả thế giới đồ cổ hiện ra trên con phố Hàng Mã từ những món đồ đắt tiền đến những món đồ rẻ tiền, hàng nghìn năm cho tới vài chục năm đều được bày xuề xoà ở hai bên vỉa hè. Gọi là chợ nhưng nó nằm dọc trên con phố Hàng Mã và chỉ tầm mươi người mang đồ đi bán, họ để các mẹt hàng sát cạnh nhau mà không sợ lẫn. ở đây thượng vàng hạ cám cái gì cũng có cả, cái gì có thể bán được là họ bày ra từ những mảnh đồng hoen rỉ, chum vại đất nung, cho đến bức bình phong câu đối đã úa vàng, máy ảnh, máy đánh chữ cổ... Nhưng nhiều nhất và phổ biến nhất là đồ gốm, đồ đồng mĩ nghệ, đồ sắt... có đồ cổ thật và vô vàn đồ giả cổ muôn hình vạn dạng. Nếu không tinh tường bạn có thể mua nhầm những món đồ giả mà tưởng là thật. Có một điểm chung là, tất cả những món đồ được bày bán ở đây cái nào trông cũng đẹp và rất bắt mắt. Đại đa số khách hàng không quan tâm lắm đến đồ thật giả, miễn là thấy vừa mắt, hợp gu mua về làm kỉ niệm hoặc làm quà tặng cho bạn bè. Giá cả thì tất nhiên là đắt đối với những món đồ xịn và độc bản, còn những đồ cổ thật nhưng nhiều thì cũng vừa phải. Người bán cũng rất ngẫu hứng về giá cả với mỗi người mua .

Trước kia chợ bao giờ cũng bán những đồ cổ thực sự, đó là những món đồ do người dân tứ xứ góp nhặt mang bán, còn bây giờ đồ cổ ngày càng ít chẳng thấy dân mang bán nữa mà chủ yếu là những tay buôn và tầm đồ cổ. Vì vậy, những món đồ họ bày bán khó có thể biết là cổ thực hay giả, khó biết được nó bao nhiêu tuổi. Người bán bảo nghìn năm tuổi thì người xem biết nghìn năm chỉ có những tay trong nghề sành đồ cổ mới biết được. Vì thế dân chơi đồ cổ có bao nhiêu vũ khí bí mật những ngày ấy đều đem ra thi thố cả. Bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của mình thỉnh thoảng họ cũng tìm thấy món đồ cổ thật. Đồ thật trông thường không đẹp, nhiều người không để ý, nhưng mỗi khi có khách mua đi một món đồ thật, thể nào chủ cũng tiếc đứt ruột.

Tuy nhiên, nếu bạn gặp được người bán là tay chơi cổ vật có nhu cầu trao đổi, họ có thể trao đổi và gặp người hợp gu đồ cổ có khi họ cho không. Anh Long bán hàng tại đây là tay chơi đồ cổ có tiếng: mình bán hàng không phải là lấy thêm thu nhập, mà mở bán cho vui, chẳng mong lời lãi, gặp những người thích chơi đồ cổ như là gặp được tri ân nên mình bán rẻ có khi còn không lấy tiền, nhưng mình không lỗ vì mình có được một người bạn có cùng sở thích để học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Những người tìm đến chẳng mong tìm được một vài món đồ yêu thích, bởi cái họ thấy được hơn cả là gặp gỡ những tay sưu tầm cổ vật nhằm mong họ chuyển nhượng lại cho một vài đồ cổ mà mình cần.

Với ông Thăng, năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày giáp Tết dù có bận đến đâu ông cũng cố gắng dành thời gian khảo cứu những buổi chợ đồ cổ cuối năm. Là người chơi đồ cổ, ông đi để mua đồ là phụ mà gặp gỡ những người yêu và tầm cổ vật là chính. Vì ở đây ông được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức nhà nghề của giới chơi đồ cổ.

Chợ tấp nập hơn vào giờ tan tầm. Ngoài những chuyên gia chơi đồ cổ, đa số khách hàng đến chợ chủ yếu là xem chứ ít mua. Biết được điều đó nên người bán hàng rất tinh, ai có ý định mua là biết ngay vì thường họ ngắm nghía rất nhanh, nhưng cũng rất thận trọng, rồi ra giá vài ba câu họ có thể mua ngay. Những ai chỉ đến xem thì dáng vẻ nhẩn nhơ, và đi với cái túi rỗng nhưng trông rất ra dáng giống như những người mê đồ cổ thật sự. Chiều ba mươi Tết, chợ tan nhiều người nuối tiếc vì chưa kịp chọn cho mình một món đồ ưng ý, còn các ông chủ lại nâng niu đồ của mình về và hẹn nhau năm sau tái ngộ với những món sưu tầm mới.

Hoa đào đã theo xe vào chợ, báo hiệu cái Tết truyền thống đang đến rất gần, người người tất bật mua sắm mong cho gia đình có một cái Tết đầy đủ sung túc. Riêng đối với nhiều vị khách đến với phiên chợ đồ cổ cuối năm lại thong dong, thư thái ngắm nghía như một thú du xuân rất riêng mà bạn chỉ có thể gặp trong phiên chợ đồ cổ.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng