PDA

View Full Version : Sưu tầm binh khí cổ, coi chừng dính bẫy xà kiếm


thanhquy
25-05-2012, 06:13 PM
Trích bài của Thành Dũng trong báo CAND

Sưu tầm binh khí cổ, coi chừng dính bẫy xà kiếm

Trưng bày trong tư gia những món đồ cổ độc đáo là thú chơi thời thượng thu hút ngày càng nhiều "môn đồ" lắm tiền vào cuộc. Không bỏ lỡ cơ hội làm ăn, sau sừng tê, ấn ngà gốc sừng trâu và trống đồng Đông Sơn rỏm, thời gian gần đây đám gian thương tung đòn xà kiếm với những đồn thổi vô hồn để đưa các con mồi vào rọ.
Mờ mắt trước "báu kiếm"
"Vì mê thanh kiếm hình rắn mà xém tí nữa tôi vỗ béo cho bọn gian và tự biến mình thành gã ngốc. Qua Báo CAND, tôi muốn nhắn gửi các tay chơi binh khí cổ cần bình tĩnh, trí tuệ kẻo ôm hận".
Trong thư gửi Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM, với mong muốn "bi kịch sẽ không lặp lại", ông Trần S., giám đốc một công ty may ở quận 12, kể chi tiết: "Từ khi kinh tế tạm ổn, tôi có sở thích tuyển các món binh khí cổ như cung nỏ, đao kiếm về tư gia với suy nghĩ vừa tô điểm vừa góp phần cùng Nhà nước hạn chế nạn chảy máu cổ vật Quốc gia ra nước ngoài. Cách đây 2 tháng, qua vài mối quen, tôi được giới thiệu với một người tên Thà ở huyện Bình Chánh, chủ nhân của cặp xà kiếm gia bảo có một không hai do gặp khó khăn nên muốn nhượng quyền sở hữu. Cơ hội ngàn năm có một đến bất ngờ nên tôi chủ động liên lạc với Thà để bàn chuyện đại sự".
Hẹn gặp tại nhau một quán cà phê trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nghe người đàn ông "hót" thanh xà kiếm mà anh ta đang muốn bán "được rèn từ khoảng thế kỷ 17, từng là vũ khí bất lìa thân của một đại hộ vệ triều Nguyễn và từng lấy nhiều mạng người" nên ông S. "rất phấn khích". Khi ông hỏi giá, Thà chép miệng ra chiều tiếc rẻ: "Đồ gia bảo truyền qua 4 đời nhưng vì gia cảnh quá khó khăn nên giữa tui với cặp bảo kiếm này không còn duyên nợ nữa rồi. Trước đây có người trả 50 triệu đồng nhưng tui hổng bán. Bây giờ nếu được vậy thì…".
Chưa cho ông S. thời gian suy nghĩ, đắn đo, Thà mở chiếc túi thể thao lấy cặp xà kiếm chuôi vàng chạm rồng, thân kiếm cũng chạm rồng nhưng ánh thép mờ đục chừng như úa màu thời gian rồi bật mí: "Xung quanh cặp xà kiếm này có nhiều điều thú vị lắm! Nếu huynh nghiên cứu Tam Quốc Diễn Nghĩa sẽ thấy trong khi Trương Phi sử dụng xà-mâu hùng tráng hợp với bản tính võ quan thì mưu sĩ Gia Cát Lượng xài xà kiếm thanh thoát. Qua đó có thể khẳng định xà kiếm được xem như là hiện thân của bậc trí túc nho nhã nhưng đầy uy quyền và trí tuệ".
Cuộc trò chuyện về kiếm báu diễn ra trong gần 1 giờ với nhiều tình tiết ly kỳ càng hun đúc quyết tâm tuyển báu vật về tư gia của ông S. "Lúc đó tôi như bị gã nọ thôi miên, hắn nói gì mình nghe nấy, tin nấy, hoàn toàn không phán xét, không trí tuệ. Lúc ấy tôi nhẩm trong bụng, bỏ ngần ấy tiền để có của quý với nhiều bí ẩn lịch sử cần được tiếp tục khai mở thì chẳng là bao. Nhưng may mà hôm đó tôi không mang theo tiền mặt nên hẹn Thà sẽ giao dịch trong ngày mai. Nghe Thà nói có nhiều người hỏi mua, sợ mất cơ hội nên tôi dằn cọc hai triệu".
Đồ chơi bạo lực + đổ axít thành xà kiếm trăm năm
Trong tâm trạng hân hoan sắp có được vật quý, ông S. khoe rần trời với mấy ông bạn có cùng sở thích. Vài người chúc mừng ông nhưng cũng có người bán tin bán nghi: "Hổng biết xà kiếm hay xà bần?". Lời nói nửa đùa nửa thật của bạn bất chợt khiến ông S. sực tỉnh: "Đúng là lấy đâu ra cơ sở để khẳng định hai thanh kiếm mà tôi sắp sửa bỏ hàng chục triệu đồng để đổi lấy quyền sở hữu là kiếm xịn?! Băn khoăn điều đó nên tôi gọi điện cho Thà hỏi thăm, thì gã ỡm ờ: "Đồ gia bảo thì sao giả được anh" (?!). “Nhưng em phải có cơ sở chứng minh niên đại, lịch sử hay nguồn gốc của nó anh mới yên tâm!” - tôi nói.
http://www.cand.com.vn/Uploaded_VNCA/thutrang7/8_canh1554-400.jpg

Cần cảnh giác trước những thanh xà kiếm hoặc kiếm cổ được rao bán trên thị trường.
Ậm ừ vài ba câu cho xong chuyện, sau đó Thà bặt vô âm tính. Ông S. kể chuyện: "Lúc đầu tôi gọi hoài nhưng nó không thèm trả lời. Sau đó thì sóng báo ò í e… Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ mình xém chút trở thành con mồi cho bọn xấu trục lợi". Rồi ông phân tích: "Nếu đó là kiếm thật thì hà cớ gì nó trốn mình, nó tắt điện thoại?!".
Từ chia sẻ của ông S., chúng tôi đi sâu vào thế giới xà kiếm cũng như các món binh khí cổ và nhận ra một điều, xung quanh trào lưu sưu tầm binh khí cổ tại TP HCM, các loại kiếm cổ với các tên gọi mỹ miều "thần kiếm", "thiên kiếm", "xà kiếm"… được rao bán tràn giang đại hải với giá rẻ bèo, chỉ từ 5-7 triệu đồng một cây.
Đem thắc mắc này hỏi anh Trần Nguyên Bình, nhà sưu tầm cổ vật chuyên về các món binh khí cổ, chúng tôi được anh Bình bật mí: "Phần lớn kiếm được rao bán là kiếm giả bởi số lượng kiếm có nguồn gốc đích thực trôi nổi trên thị trường gần như bằng không". Anh Bình cho biết, đã có nhiều người phải tốn cả trăm triệu đồng để rinh về những thanh báu kiếm được rao "cẩn ngọc, luyện bằng thép không gỉ" được tinh chế từ sắt thép đơn thuần.
“Bọn gian giả kiếm cổ bằng cách nào, thưa anh?” - tôi hỏi anh Bình. “Dễ ẹc hà! Chúng sang các chợ biên giới Trung Quốc mua đồ chơi bạo lực như dao găm, mã tấu, đao kiếm… rồi lấy hóa chất (axít) mua ở chợ Kim Biên đổ vào. Sắt thép mà gặp axít thì phát sinh phản ứng hóa học, sần sùi trông như kiếm cổ kiếm xưa vậy!", anh Bình trả lời.
Cũng theo anh Bình, để các con mồi tin mấy thanh kiếm sắt bình thường là kiếm cổ hàng trăm năm tuổi, đôi khi bọn xấu còn đóng giả màn kịch, lúc kẻ bán người mua đang xem "hàng" thì xuất hiện một vị đại gia hoặc chuyên gia săn lùng báu vật. Vừa thấy cây kiếm, ông này săm soi bảo đời người chỉ có thể gặp vật báu một lần là ngỏ ý mua. Để khẳng định quyết tâm của mình, ông ta dằn cọc có khi cả chục triệu đồng. Đang phân vân không biết kiếm thật hay giả, trước hình ảnh ấn tượng ấy, sợ mất cơ hội, ông khách non cơ liền xì tiền. Đến khi sự thật được phơi trần thì chuyện đã quá muộn!


Thành Dũng