PDA

View Full Version : Cuộc truy tìm trống đồng cổ ở Chiềng Khoa


ctyxdcaosu
25-05-2012, 06:13 PM
Cuộc truy tìm trống đồng cổ ở Chiềng Khoa
(TT&VH) - Trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) thi thoảng người ta lại rộ lên thông tin về việc tìm thấy đồ cổ. Có những vụ do người dân địa phương tình cờ phát hiện khi đi làm nương, nhưng cũng có vụ người lạ đến mang cả máy móc theo để săn tìm…

2 người khách lạ mặt và tiền công hậu hĩ

Sự việc gây xôn xao dư luận bắt đầu vào cuối tháng 2/2009. Hai người đàn ông mang theo chiếc máy dò kim loại có mặt tại bản Khoòng Thái II, xã Chiềng Khoa. Họ trú tại nhà ông Ngần Văn Đại ở trong bản nên người ta biết họ là Lập và Bốn, người dưới xuôi. Chỉ mất 2 ngày lang thang tìm kiếm, không hiểu máy dò tìm kim loại hiện đại cỡ nào mà đã giúp họ nhanh chóng xác định được vị trí có “vật lạ”. Đó là một gò đồi gần khu vực ruộng Na Hé trồng lúa nước của gia đình ông Lò Văn Bộ.

Cuộc đào tìm được tiến hành lập tức với sự tham gia của một số người dân trong bản do Đại thuê. Gần chục người đàn ông tay xà beng, tay cuốc xẻng đào bới. Đào hết gần một ngày, đến độ sâu cách mặt đất 1,2 mét thì hiện ra một mặt trống hình tròn đã rách. Một số đồ vật tiếp theo ngay sau đó được phát hiện là những chậu, nồi, bình gốm...

http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/07/20/8b6trongdong.jpg
Chiếc trống đồng cổ ở Chiềng Khoa

Anh Vì Văn Hiệu, một trong những người tham gia cuộc đào tìm hôm ấy, kể lại: “Trưa ngày hôm đó tôi đi làm nương về qua, vì hiếu kì nên dừng lại xem thì có hai người dân tộc Kinh rủ tham gia đào giúp sẽ trả công. Tôi đào được 5 phút, định nghỉ về ăn cơm thì hai người đó nói là tất cả mọi người không ai được về vì thế tôi vào lán nằm nghỉ. Đến 5h thì thấy mọi người đào được một chiếc trống đồng đã bị rách nửa mặt, một bình gốm và vài đồ vật khác… Tôi đã giúp họ khênh đồ đi thì ngày hôm sau nhận được 1,3 triệu đồng nói là tiền công với lời dặn không được báo sự việc trên cho ai”!

Trong cuộc đào bới hôm ấy có 8 người dân bản tham gia đào và vận chuyển đồ vật tạm gọi là “kim loại phế thải” đều được trả công từ 1,3 - 1,4 triệu, còn những ai vô tình chứng kiến sự việc cũng được chia ít tiền với điều kiện “không được báo sự việc cho ai”.

Lần theo dấu vết cổ vật

Nhưng thông tin về người lạ tìm đến xã rồi thuê người đào bới đồ cổ đã lan rộng ra khắp xã. Đặc biệt hơn, tin những người dân trong bản chỉ đào bới đất có một buổi mà nhận được một lúc hơn 1 triệu đồng/người trở thành tin “sốt” của toàn xã.

Tin lan ra khắp nơi đã không lọt qua “tai mắt” của Công an xã Chiềng Khoa. Sự việc được báo cáo lên Công an huyện Mộc Châu. Xác định khả năng có một số đối tượng dùng máy dò tìm kim loại với mục đích tìm kiếm đồ cổ, Công an huyện Mộc Châu đã tiến hành điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an Mộc Châu đã tìm ra các đối tượng tham gia đào bới cổ vật và nơi cất giấu số đồ vật do Bốn và Lập cầm đầu.

http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/07/20/da3binhgom.jpg
Bình gốm, chậu đồng, nồi đồng có niên đại thời Nguyễn và thời Lê

Theo điều tra của công an: Sau khi đào được số đồ vật trên, Nguyễn Văn Bốn và Đỗ Văn Lập, trú tại tỉnh Hưng Yên, đi xe máy về trước và thuê Ngần Văn Đại, Hà Văn Bống, Vì Văn Hiệu, Ngần Văn Bình thay nhau khiêng chiếc trống đồng đi xuống khu vực bản Suối Tân, cách địa điểm đào bới 1,5 km và gặp Bốn, Lập ở đó.

Sau khi lấy trống đồng, Lập và Bốn trả cho 4 người khiêng trống này 16,8 triệu đồng rồi vận chuyển trống đồng và một số đồ vật về nhà Đỗ Văn Chế, là thợ rèn, nhà ở Tiểu khu Thảo Nguyên, thị trấn Nông Trường Mộc Châu cất giấu, trong đó chiếc trống đồng được giấu ở dưới ao sau nhà ông Chế. Ông Chế là anh ruột của Lập. Ít lâu sau, Bốn và Lập về quê ở Hưng Yên có chở theo chiếc trống đồng, bình gốm, trâm cài tóc…

Tại buổi làm việc với công an, Lập và Bốn đã khai nhận ngay sau khi đào được chiếc trống đồng, bình gốm, nhận thấy đây là những đồ cổ có giá trị, bọn họ đã cất giấu để tìm cách bán kiếm lời. Ngoài hai đồ vật trên, còn đào được thêm một chiếc nồi đồng, một chiếc sanh đồng, một chiếc chậu đồng, một chiếc trâm cài đầu của phụ nữ… Do những đồ vật trên đã bị hỏng nên họ có ý định mang bán lại cho…đồng nát.

Bốn và Lập đã tự giác giao nộp lại chiếc trống đồng cùng các đồ vật khác. Do khai báo thành khẩn và giao nộp toàn bộ tang vật là đồ vật chưa bị thất thoát nên Nguyễn Văn Bốn và Đỗ Văn Lập không bị luật pháp xử lý, theo kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Sơn La.

Cần sớm đưa vào bảo tàng để quản lý

Sau khi thu hồi được chiếc trống đồng và một số đồ vật trên, công an huyện Mộc Châu đã trưng cầu giám định. Theo kết luận giám định bước đầu của Bảo tàng tỉnh Sơn La: Chiếc trống đồng có chiều cao 49cm, nặng 50kg, đường kính mặt trống rộng 69cm, có hình hoa văn mặt trời đúc nổi ở rìa mặt trống với 6 tia mảnh, được trang trí hoa văn hình thoi lồng, chân trống choãi. Hiện mặt trống bị rách 1/2. Đây là trống đồng loại II (Hegơ), có niên đại trên 1.000 năm.

Một số đồ vật khác như sanh đồng, nồi đồng, chậu đồng, trâm cài tóc suýt biến thành… đồng nát đều là đồ gia dụng thuộc thời nhà Nguyễn. Riêng chiếc bình gốm phủ men rạn màu xanh ngọc được xác định là bình gốm cổ thuộc thời nhà Lê.

Số hiện vật trên là những di sản văn hóa rất có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Bảo tàng tỉnh Sơn La đề nghị những hiện vật này cần sớm được làm thủ tục pháp lý để đưa về Bảo tàng Sơn La quản lý. Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: Hiện tại bảo tàng đang trưng bày 22 chiếc trống đồng cổ ở các thời kỳ và niên đại khác nhau được tìm thấy ở các địa phương trong tỉnh.

Nguyễn Thái Hùng