PDA

View Full Version : Thú sưu tầm quạt cổ


henry_le1
25-05-2012, 06:13 PM
Thú sưu tầm quạt cổ
http://image.tin247.com/vnmedia/091029170349-21-436.jpg

Chủ nhân và những chiếc quạt "nổi tiếng" Ảnh: Trọng Hiếu

Ông Tấn lập ra hẳn cửa hàng gần như chỉ để giao dịch với du khách nước ngoài. Cửa hàng mang tên Duong & Son – Old Fans Workshop nằm lọt thỏm giữa rất nhiều cửa hàng bề thế khác nhưng lại là nơi lui tới của rất nhiều du khách nước ngoài.

Đi tìm giá trị lịch sử

Ông Tấn đã nói như thế về thú đam mê của mình. Trong căn nhà nhỏ ở 26 Hàng Bồ từ tầng một cho tới tầng ba đều được chủ nhân chứa quạt. Những chiếc của Ý, Hà Lan, Pháp… theo ông Tấn thì ở Hà Nội không có nhiều người tham gia chơi quạt cổ. Hiện chỉ có ba người là ông Phúc ở Tạ Hiền, anh Hùng ở Đường Thành và ông. Nhưng ba ông “vua quạt” ấy lại là người đi đầu trong trào lưu sưu tập quạt bắt đầu rầm rộ vào những năm 1986 cho tới 1990 trước đây.

Câu chuyện cứ ngược mãi về tận những năm 1986, khi mà nước ta chính thức bước vào thời kỳ đổi mới, rất nhiều du khách nước ngoài đã đến Việt Nam. Họ đến và không ít người chỉ lang thang lùng sục tìm mua với bất cứ giá nào những cây quạt điện cũ rích chả còn quay được nằm bỏ xó trong các gia đình.

Trong khi đó hàng loạt các công ty nhà nước thanh lý rất nhiều đồ đạc cũ trong đó có quạt. Hồi ấy ông Tấn mua rất nhiều nhưng đơn giản chỉ vì ông thấy tiếc chứ chưa hề có một sự đam mê lớn lao nào cả. Ông mua về mày mò sửa chữa rồi lại bán cho khách du lịch. Nhưng chính những vị khách này lại đem lại cho ông một niềm đam mê đeo đẳng đến giờ. Khi ấy, ông tò mò trước câu hỏi: vì sao họ lại sẵn sàng bỏ ra 100 “đô” chỉ để rước về một cái quạt cũ rích nặng chình chịch.

http://image.tin247.com/vnmedia/091029170349-629-404.jpg

Với ông Tấn, mỗi chiếc quạt đều có giá trị lịch sử riêng

“Rồi tôi cũng hiểu hàng ngày mình say sưa tìm mọi cách chữa chúng nhưng có nhận ra vẻ đẹp của chúng đâu, những “cục sắt biết quay cánh kia” gắn bó không ít với lịch sử của đất nước. Việc đi tìm giá trị lịch sử của chúng chính là một niềm đam mê mà không phải ai cũng tham gia được” – ông tâm sự. Vậy là người đàn ông đất Hà Thành lao vào cách sưu tập có quy củ hẳn hoi.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Hiện tại vẫn có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến cửa hàng của ông Tấn để mua quạt cổ. Nhưng ông chỉ bán những chiếc nhàng nhàng, có nghĩa có thể dễ tìm còn những chiếc thuộc vào hàng “cụ, kỵ” thì ông cất giữ cẩn thận và không thể bán mặc dù trong số đó có những chiếc ông chưa tìm được đủ phụ tùng để phục hồi lại nguyên trạng cho chúng.

Hiện trong tay ông có ba chiếc quạt thuộc vào hàng cổ nhất trong giới quạt cổ đều của hãng Marelli, Ý. Hãng này đã sản xuất quạt từ khi loài người phát minh ra điện và đã ngừng sản xuất không lâu sau đó. Vì vậy những chiếc còn lại không chỉ quý ở Việt Nam mà với các nước khác cũng có giá trị lịch sử to lớn.

http://image.tin247.com/vnmedia/091029170804-6-712.jpg
http://image.tin247.com/vnmedia/091029170804-24-229.jpg



Ông Tấn đã mày mò tìm hiểu nhưng cũng chỉ ước đoán được tuổi của chúng. Bởi lẽ khi người Pháp vào Việt Nam thì những chiếc quạt điện, sản phẩm của nền văn minh hiện đại mới được người Việt biết tới. Ông Tấn không thể nào thẩm định được những chiếc mà ông có đã vào nước ta cụ thể từ khi nào và đó là một niềm day dứt mà ông vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích đáng.

Những chiếc quạt cổ đó tiêu biểu ở việc dùng dòng điện một chiều và có cả chổi than để vận hành và khi đó với những chiếc quạt này tuốc năng vẫn còn là điều xa lạ. Người Pháp cũng đem vào những chiếc quạt của họ mang nhãn hiệu Pơ-giô từ những năm đầu đó. Nhưng theo ông Tấn thì những chiếc có giá trị vẫn là của hãng Marelli.

Ông Tấn chỉ cho tôi xem một chiếc Marelli, ông vẫn chưa tìm đủ được phụ tùng chính hãng để làm mới cho nó, khẳng định: “Chiếc này có tuổi bằng tuổi của chiếc cầu toàn quyền Đông Dương Đuy-me (cầu Long Biên ngày nay). Để có được kết quả đó ông Tấn đã phải mày mò tìm năm sản xuất in trên máy rồi tham khảo rất nhiều ý kiến của nhiều người.

http://image.tin247.com/vnmedia/091029170804-859-841.jpg

Mua được quạt cũ, nhưng phục hồi lại nguyên bản không phải điều đơn giản

Ông Tấn bồi hồi cho rằng, có những người không hiểu được hết giá trị lịch sử của những chiếc quạt kia. Chẳng hạn như quạt Pơ-giô gắn liền với thời kỳ người Pháp xâm lược nước ta, rồi quạt EMJ của Hà Lan gắn liền với thời kỳ người Hà Lan vào nước ta…hay đơn giản hơn là chiếc quạt tai voi của Liên Xô cũ gắn liền với thời kỳ Liên bang Xô Viết còn tồn tại và rất nhiều du học sinh nước ta sang đó học tập…

Điều mà ông Tấn trăn trở nhất là việc những chiếc quạt cổ gắn liền với lịch sử nước nhà lại được những ông Tây khiêng về bên kia lục địa. Những chiếc dễ tìm thì chẳng sao nhưng có những chiếc quý mà không phải người trong nghề thì không thể nhận ra giá trị của nó mà nếu chậm chân thì sẽ chẳng thể nào giữ lại.

Để có thể “lùng” được những chiếc quạt cổ ông Tấn phải đi rất nhiều nơi. Hễ có nơi nào thanh lý quạt cũ hay biết nhà nào có là ông lập tức có mặt để thẩm định và sẵn sàng bỏ tiền ra mua bằng được. Thậm chí ông còn đặt hợp đồng với dân đồng nát, sắt vụn để khi họ mua được những chiếc quạt cũ lâu đời thì bán lại cho ông với giá cao hơn.

Có quạt rồi nhưng có thể phục hồi lại nguyên trạng và tìm ra tuổi của chúng thì không phải là điều đơn giản. Các bộ phận bên trong như dây có thể cuốn lại, ốc vít có thể thay nhưng có những bộ phận mà không phải chính hãng thì coi như chiếc quạt đó mất hẳn giá trị. Chẳng hạn như hộp số của chiếc quạt trần bốn cánh Marelli có một nút vặn nhỏ bên ngoài và vòng đồng in nhãn hiệu mà mất đi thì cả chiếc quạt chỉ còn giá trị ở bốn cái cánh mà thôi. Cũng vì thế mà có những chiếc ốc vuông nhỏ xíu ông Tấn phải bỏ ra hàng 50 tới 70 ngàn đồng để mua lại từ dân đồng nát. Nhưng khi phục hồi được rồi và tìm được giá trị lịch sử của nó thì trong ông luôn có được niềm khoan khoái bất tận.

Âu cũng là một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.