PDA

View Full Version : Đồ cũ, chợ đêm


vietnam
25-05-2012, 06:15 PM
Đồ cũ, chợ đêm
http://www.cand.com.vn/Uploaded_CAND/hientk/10_chodem693.jpg Chợ đêm Hà Nội. Ảnh: Minh Trí. Thích "xài" đồ cũ, có thói quen mua hàng niêm yết giảm giá, hàng khuyến mãi, luôn có cảm hứng đi "săn" các loại hàng bán ở vỉa hè, chợ đêm. Dẫu hàng ở siêu thị hay các shop thời trang đắt tiền không phải là quá tầm với họ.
Quan niệm, nhận thức về sự tiêu dùng cũng đã khác với các thế hệ đi trước. Không còn là sự "ăn chắc mặc bền", chỉ chăm chăm vào hàng hiệu. Họ bắt đầu coi trọng giá trị sử dụng hơn là giá trị hàng hoá, họ quan tâm nhiều đến tính "mùa vụ", sự thay đổi hơn là tính ổn định, bền vững.
Khái niệm đồ cũ, hàng second hand từ lâu vẫn "sống" một cách tự tin trong tư duy của không ít giới trẻ, dẫu xu hướng thời trang đã liên tục thay đổi.
Có cảm giác như giới trẻ mặn mà với đồ cũ không chỉ bởi vì sự "vừa mua phải bán", "hợp với túi tiền" hay vì không đủ tiềm năng để với tới hàng hiệu, hàng xịn đắt tiền, sành điệu, mà hơn thế, "săn" hàng cũ đã trở thành một cái "thú". Thế nên, dân chuyên săn đồ cũ thường hay lan truyền khái niệm "duyên". Có khi trong một phút đã tìm được món đồ đắc ý, cũng có ngày lượn khắp các hang cùng ngõ hẻm vẫn thất thểu về không.
Sau khi cơn sốt xe mini, ti vi cũ rồi sim cũ, máy tính, điện thoại, xe máy cũ… được hạ nhiệt, thị trường đồ cũ có vẻ như lắng xuống, như được bão hoà khiến nhiều người vội vã nhận định: "Đồ cũ rồi cũng sẽ đi vào cổ tích"… Nhưng rồi các phố bán đồ cũ vẫn sống, vẫn tấp nập kẻ bán người mua.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng liên tục xuất hiện nhiều gương mặt 8X với các bộ sưu tập độc đáo như bộ sưu tập tiền cổ, xe Vespa cổ, tem cổ... gây ra những luồng dư luận trái chiều. Người thì cho rằng, xu hướng tìm về với những giá trị cũ luôn là khát vọng tiềm năng, dễ được đánh thức trong mỗi con người, kẻ thì lại cho đó chỉ là một cách "chơi trội, chơi ngông" của tuổi mới lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là tư duy dùng đồ cũ dường như ngày càng lan toả trong xã hội. Từ giới trẻ đã truyền sang các bậc trung niên, thậm chí người già.
Có thể dễ dàng nhận ra bóng dáng của các thế hệ một thời vẫn bị giới trẻ xem là "người âm lịch" thấp thoáng trong các ngõ đồ cũ, chợ đồ cũ, phố đồ cũ như Kim Liên, chợ Hàng Da, chợ Trời, thậm chí cả trên phố cầm đồ sầm uất Đặng Dung. Họ bắt đầu quan tâm đến giá trị sử dụng hơn là giá trị hàng hoá. Bắt đầu học cách tập cho mình thói quen "tẩy chay" dần tính hình thức cứng nhắc tưởng như đã trở thành "thâm canh cố đế". Họ độ lượng và dễ cảm thông hơn với những sở thích, thậm chí cả sự sùng bái quá mức đồ cũ của lớp trẻ một thời...
Mà không chỉ có đồ cũ, hàng khuyến mãi, giảm giá giờ đây cũng cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí, chưng biển khuyến mãi, giảm giá đã trở thành một chiêu thức kinh doanh hiệu quả để thu hút khách của các công ty, các cửa hàng. Thế nhưng, khái niệm giảm giá, khuyến mãi vẫn thường rất có ý nghĩa "gọi mời". Nó luôn là một sự "quyến rũ" khó cưỡng lại được với thế hệ người tiêu dùng mới.
Không còn là khái niệm lạ lẫm, từ lâu chợ đêm đã trở thành một nét văn hoá ở Hà thành với chợ hoa đêm Quảng Bá, chợ rau xanh Long Biên... Nhưng có lẽ phải đợi đến khi thành phố Hà Nội quy hoạch tuyến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào thì chợ đêm mới thực sự trở thành một không gian văn hoá. Giới trẻ ngày càng có xu hướng tìm đến chợ đêm, nhất là vào các dịp cuối tuần.
Không chỉ mặc sức "tắm" trong một thế giới hàng hoá, chợ đêm còn là nơi có thể giải quyết "giấc mơ" ăn uống, tạo ra một không gian vui chơi, thư giãn... Thậm chí nhiều cô cậu sinh viên còn "dọa" nhau rằng: "Là sinh viên không thể không biết chợ đêm".
Giới trẻ rỉ tai nhau rồi thông tin ấy cũng lan đến tai các bậc trung niên, thậm chí cả người già. Ai cũng muốn "cứ thử một lần cho biết" nên chợ đêm cuối tuần bao giờ cũng nườm nượp người xe, có những đoạn đường đã "nghẽn" vì người đi bộ.
Không chỉ có người bản xứ, Tây ba lô cũng vào cuộc. Cũng cười cười, nói nói, cũng chỉ trỏ, ngã giá khi nhìn thấy một món hàng lạ mắt. Đi lượn một vòng mỏi chân, các thượng đế có thể tuỳ thích ghé chân vào quán nước, các "nhà hàng di động" bán các loại đồ ăn nhẹ hoặc "xả hơi" bằng tranh cát, chụp ảnh Hàn Quốc, chụp ảnh kiểu Úc, ký họa chân dung hay thoả sức xem sách, báo.
Mà hàng ở chợ đêm rẻ thật, lại dễ trả giá. Nếu khách hàng có cò kè, thêm bớt cũng chẳng sợ bị quát, chẳng có cảnh giành giật khách như các chợ búa vốn nổi đình nổi đám về cái sự ngoa ngoắt chốn kinh kỳ.
Người tiêu dùng được sử dụng sự tự do của mình một cách đúng nghĩa, được chi tiền hợp lý. Và hơn thế là cảm giác được sống trọn vẹn hơn, tự tin hơn khi hoà vào trong không gian của chợ đêm