PDA

View Full Version : Dạo chơi chợ đồ cũ Hà Nội


thanhlong_company
25-05-2012, 06:15 PM
Hà Nội có một số điểm chợ rất hay, ấy là chợ đồ cũ, tại đấy bạn có thể mua được từ cái "cút" nước đến cái điện thoại di động...

Tớ hay đi chợ đồ cũ tại Đê La Thành...

http://photos-d.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc1/hs235.snc1/8223_176513926351_74445296351_4246280_2661557_n.jp g (http://www.facebook.com/photo.php?pid=4246280&op=1&view=all&subj=147507747527&aid=-1&auser=0&oid=147507747527&id=74445296351)
“Thượng vàng hạ cám”



Dưới ánh sáng vàng vọt đổ xuống người ta thấy cơ man nào là đồ điện tử, giày da... ngã tư Đoàn Trần Nghiệp - Mai Hắc Đế vài tháng nay bỗng xuất hiện một cái chợ như vậy. Hàng hóa đa dạng từ pin điện thoại đến cái đài, rổ ốc vít được bày bán ê hề.

Khu chợ chỉ bắt đầu họp lúc phố xá đã lên đèn và kết thúc muộn nhất vào lúc 0h. Khi chiều tắt nắng và những trung tâm thương mại sáng rực ánh đèn thì cũng là lúc xuất hiện những chủ hàng đi xe máy, xe đạp chằng lỉnh kỉnh hàng hóa từ đâu kéo đến ngã tư này. Chẳng ai bảo ai, tất cả dựng xe trên vỉa hè và bày hàng hóa quây kín ngã tư phố. Những ánh đèn bên đường hắt thứ ánh sáng vàng vọt từ trên cao xuống, phủ kín cả đoạn vỉa hè dài chừng 20m và mờ tỏ các loại hàng hóa được bày bán. Trên những tấm nilon hoặc bao tải, hàng hóa đủ thứ “thượng vàng hạ cám” đều được trưng bày. Tuy vậy, dù là cái chợ nhỏ bán đủ thứ “tạp lù” nhưng gian hàng nào cũng “chuyên” một “món”. Khách hàng có thể chọn đồ ở hàng bán ví da nhìn sang bên là hàng bán đồ điện tử với đủ các loại máy nghe nhạc hay cả những chiếc đài bán dẫn có từ thời bao cấp.

Tôi và một đồng nghiệp rủ nhau tới cái chợ này. Gọi là đi chợ nhưng có lẽ cũng giống như phần lớn những khách hàng khác đi xem để thỏa cái thú tò mò hơn là muốn mua một mặt hàng nào đó. Gian hàng của anh Hoàng, quê ở Hải Phòng thu hút rất nhiều người đến xem cũng như tìm mua những thứ mình cần. Lý do vì gian hàng của anh có nhiều món hàng “độc” nên dù dọn muộn hơn những hàng khác, nhưng gian hàng của anh lúc nào cũng đông người ghé xem. Khách hàng đủ mọi thành phần lứa tuổi chúi đầu xuống tấm nilon nhàu nhĩ mà lật lên lật xuống, vân vê ngắm nghía từng món đồ. Họ thoải mái xăm soi từ cái điều khiển tivi, vài chiếc tai nghe Sony đến một đống lỉnh kỉnh đài cát-set cái chạy được cái không. Thỉnh thoảng có một vài bạn trẻ ré lên và khoe với người bạn đi cùng khi tìm được một món đồ ưng ý.

http://photos-f.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc1/hs235.snc1/8223_176515561351_74445296351_4246281_4460389_n.jp g (http://www.facebook.com/photo.php?pid=4246281&op=1&view=all&subj=147507747527&aid=-1&auser=0&oid=147507747527&id=74445296351)
Chăm chú xung quang các món hàng...


Một điều nữa khiến gian hàng của anh luôn đông hơn những gian khác đó là giá cả những món hàng trên lại không hề đắt. Có những chiếc tai nghe Sony ông chủ bảo “xịn” nhưng có lẽ nhiều người sẽ giật mình bất ngờ khi chủ cửa hàng chỉ nói thách đến 20.000 đồng. Người mua sau một hồi ngắm nghía khoát tay trả giá 5.000 đồng, ông chủ lưỡng lự một lúc rồi cũng vui vẻ đồng ý bán. Nhìn những chiếc kính râm đủ loại được xếp thành hàng trên tấm vải, tôi tò mò ngó xuống xem thử. Và cũng chẳng biết sau này phải làm gì với cái kính chọn được cầm trên tay nhưng tôi vẫn hỏi người bán hàng “Bao nhiêu tiền chiếc kính này?”. “10 nghìn thôi!”. Giá “chốt” cuối cùng là 5 nghìn cho một chiếc kính mà theo lời nhận xét của anh bạn đồng nghiệp là còn khá “mới” và hợp thời trang.

Cái cảm giác đi “chợ giời” về đêm cũng đem lại cho khách hàng đôi chút là lạ. Nhiều khách hàng sau khi đã “no nê” với những món hàng bóng loáng sáng choang trong những khu trung tâm thương mại vẫn có cảm giác thích thú khi cầm trên tay những chiếc máy điện thoại bợt màu sơn hay những chiếc tai nghe cũ kỹ loằng ngoằng dây dợ buộc rối vào nhau. Có lẽ chính vì điều ấy nên khách ghé vào chợ thuộc đủ mọi tầng lớp. Từ những dân văn phòng đạo mạo, người kinh doanh còn diện nguyên comple, cà vạt ghé vào đến đám thanh niên choai choai đầu nhuộm xanh đỏ phóng xe máy từ đâu ào ào đến và thoải mái mặc cả từ cái túi da mất khóa, đến chiếc thắt lưng với đủ hình thù kỳ quái.

Riêng đám sinh viên trường Bách khoa rất dễ nhận ra bởi cái máu mê sưu tập những món đồ điện tử. Những “quầy” bán đồ điện tử được bày ra nhỏ như chiếc quạt nan mà người mua hàng, xem đồ đứng túm năm tụm ba san sát vai nhau mà nhòm ngó. Nhiều sinh viên ra đây săn “đồ cổ” rồi về tháo linh kiện thay thế cho các máy đời mới khác, nếu không thì nâng cấp thêm các tính năng rồi bán lại cho các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử. Ngoài cái thú sắm đồ cũ thì nhiều sinh viên cũng “trúng mánh” khi tân trang và bán lại khá được giá từ những đồ tưởng chừng như “vứt đi” kia.


http://photos-h.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc1/hs235.snc1/8223_176516261351_74445296351_4246282_4851461_n.jp g (http://www.facebook.com/photo.php?pid=4246282&op=1&view=all&subj=147507747527&aid=-1&auser=0&oid=147507747527&id=74445296351)
Người đi chợ "chuyên nghiệp" thường giắt theo một chiếc đèn pin nho nhỏ để săm soi...



Những cái chợ họp trên vỉa hè không hề thiếu ở Thủ đô và cả những khu chợ bán đồ cũ về đêm khi chúng ta có thể liệt kê ra cả một danh sách dài. Với nhiều người, khu “chợ giời” trên ngã tư Đoàn Trần Nghiệp-Mai Hắc Đế chỉ là “cơ sở” mới của dân bán đồ cũ trên đường Đê La Thành đổ về. Bị lấn sân bởi đám hàng giày dép da Phú Xuyên, đám buôn quần áo rẻ tiền, một số dân buôn bán đồ cũ, đồ “chôm” ở khu Đê La Thành đối diện với trường ĐH Văn hóa đành tìm đến khu vực mới này để mở mang “lãnh địa”.

Chợ đêm nhộm nhoạm là vậy nên cũng không hiếm cảnh éo le. Hàng hóa bày bán tại đây chẳng cần kiểm chứng cũng biết mười mươi nguồn gốc là hàng cũ được gom góp lại từ người mua bán phế liệu đồng nát. Và trong số đó cũng không thiếu mặt hàng được bọn trộm cắp, “dân nghiện” “chôm chỉa” được mang ra đây bán. Ngoài những khách hàng đến chợ bị mất đồ và có nguy cơ bị mất đồ mà ngay cả người bán hàng có khi còn phải “ngậm đắng” khi chính bản thân mình cũng bị “chôm” đồ. Chị Hoa, quê ở Phú Xuyên chỉ tay vào đống điện thoại cũ mới lổn nhổn kể: “Gian hàng của chị sáng sủa là thế mà chiếc điện thoại để bàn nhãn hiệu Nokia đời mới “ngon lành” vừa mới được khách hàng nâng lên hạ xuống có vài lần đã bị mất ngay”. Mất mà cũng chả dám kêu ai.

Đó chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện nhốn nháo xảy ra ở khu chợ này. Anh Nguyễn Quang Vinh, chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Lê Thanh Nghị truyền kinh nghiệm cho tôi: “Đi những chợ loại này điều cần thiết là phải huy động mọi giác quan để chọn, đánh giá đúng mặt hàng, đồng thời đề phòng kẻo bản thân bị mất trộm như chơi”. Việc bị mất một vài món đồ trong một “buổi chợ” như thế đã thành quen đối với không ít chủ hàng hay khách mua khi lẫn trong những khách hàng vào xem còn có cả đám nghiện “dặt dẹo” từ phố Thanh Nhàn hay ở trong công viên Thống Nhất mò sang.

http://photos-b.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-snc1/hs235.snc1/8223_176516896351_74445296351_4246283_7564941_n.jp g (http://www.facebook.com/photo.php?pid=4246283&op=1&view=all&subj=147507747527&aid=-1&auser=0&oid=147507747527&id=74445296351)


Khu chợ đồ cũ tại ngã tư Đoàn Trần Nghiệp - Mai Hắc Đế tuy mới hình thành nhưng xem ra “tiềm năng” phát triển rất lớn khi nguồn hàng không biết từ đâu ra mà ngày càng đổ về đây nhiều thứ đến vậy. Cứ tối tối chẳng hẹn mà gặp, khách và chủ hàng lại cùng rầm rì trao đổi với nhau những món đồ không đầu không cuối. Và vẫn có đấy những chiếc xe tuần tra của công an phường sở tại đi dẹp nhưng khi nghe thấy tiếng xình xịch của chiếc xe ôtô, đám chủ hàng lại cuốn gọn những túi nilon vào và hàng hóa lại được bày ra khi chiếc xe tuần tra đi khỏi.