PDA

View Full Version : Vài hình ảnh về các chợ đồ cổ ở các tỉnh thành


lananh_hiep
25-05-2012, 06:16 PM
Thú chơi xuân của người Hà thành
Chợ đồ cổ được họp tại các phố hàng Mã,Mã Mây,Hàng Lượcvv...Các con phố nơi mà không biết từ bao giờ cứ đúng hẹn lại lên; ngày tết , các mẹt hàng bán đồ cổ mọc lên san sát. Đồ gốm, đồ đồng, đồ bạc, đồ sắt... cái gì cũng có…muôn hình vạn dạng:: tượng, chén, bắt, bình vôi, mâm, hũ, chậu, tiền cổ, máy nghe nhạc thời Pháp, đèn dầu...Gian hàng của anh Quất và anh Thắng thu hút đông người chọn hàng. Hai anh đã có 8 năm chuyên bán hàng đồ cổ tại chợ này. Anh Quất cho biết: "Hàng ở đây có nhiều nguồn gốc có thể do các chủ sang nhượng của nhau, của những bà đồng nát thu mua từ các gia đình, có khi các chủ hàng mua từ các cơ sở sản xuất tại Huế, Nam Định...và không thiếu hàng Trung Quốc." Anh Quất cho biết thêm, để theo được nghề bán đồ cũ - đồ cổ không đơn giản chút nào, đòi hỏi sự tìm tòi không nghỉ. Việc các chủ hàng phải trả "ngu phí" cao mới có kinh nghiệm là chuyện thường tình trong nghề. Các anh chỉ cho thấy những loại đỉnh để đốt hương trầm ngày Tết, một món hàng dễ bị lẫn giữa loại của các cơ sở ở Huế và Trung Quốc làm và giá thì một trời một vực. Những chiếc đỉnh thường chỉ hơn 100 ngàn đồng, nhưng chiếc đỉnh hình quả phật thủ có giá tới 4 triệu đồng, thậm chí có loại đỉnh cổ, dưới đáy có in hình chữ triệu lên tới 10 triệu đồng/chiếc.
Một trong những hàng được nhiều chủ bán ở đây là bình vôi. Bác Trần Văn Thao, một người bán hàng cho biết: "Theo tục lệ, người Việt đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi nên chúng tôi chuẩn bị nguồn hàng này để bán". Những người mua, khi gặp hàng ưu thích thì đắt đến mấy cũng cố mua được. Nhiều loại bình vôi có bề ngoài khá cổ, nhiều "quả" được làm bằng loại men rạn, có bình to cỡ nắm tay, có bình mô phỏng hình sư tử, nhưng cũng có bình chỉ bé tẹo bằng hay ngón tay. Giá của những " quả" bình vôi cũng tùy người mua người bán, trung bình từ 300 - 500 ngàn, nhung cũng có những "quả" lên tới 2-3 triệu đồng bởi bề ngoài độc đáo, cổ điển. Bác Thao bật mí, đa số các hàng ở đây chỉ có giá từ vài trăm ngàn tới 20-30 triệu đồng/món hàng là cao nhất, nếu khách muốn mua hàng "độc" thì được giới thiệu đến những cửa hàng đồ cổ trên phố Nghi Tàm (Hà Nội). Bác Thao chỉ cho tôi xem những chiếc đĩa có giá tới 700 ngàn đồng, làm men rạn, có hình cá, chim muông...Riêng chiếc đĩa có hình người uống rượu (được chủ hàng giải thích là ghi lại tích ái tửu, một trong tứ ái của Trung Quốc) lên tới 1 triệu đồng/chiếc. Nhiều đồ của trung Quốc, trong đó có cả đồ sứ Cảnh Thái Lam, món hàng mà dân tour VN thường mua giá vài trăm tệ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về làm quà. Chiếc bình hơi, cũ, chẳng biết thật giả ra sao nhưng cũng được chủ hàng thét tới: 1 triệu đồng/chiếc!

Gian hàng của anh Trần Mẽ sưu tập nhiều đồ gốm sứ. Anh Mẽ giải thích, có những chiếc bát trông rất đơn giản nhưng được cho là từ thời Lý, thời Trần, giá tới 800-900 ngàn đồng. Những cũng có chiếc bị vỡ hoặc sứt sẹo thì giá chỉ 200-300 ngàn đồng/chiếc. Theo anh Mẽ thì đồ cổ có giá vô cùng, tùy theo sự ưa thích và cách định giá của từng người thỏa thuận. Điều đó cũng được kiểm chứng, khi một chủ hàng " thét" giá miếng vỡ từ một chiếc đĩa lớn tới 500 ngàn đồng!
Không chuyên về đồ gốm, gian hàng của anh Trần Minh Thái (người gốc Hưng Yên) lại tập trung vào vật dụng bằng đồng. Chỉ vào 3 chiếc đèn dầu to đùng và lạ mắt, anh Thái nói: " Ba chiếc đèn có tuổi thọ hơn 100 năm, bán rẻ cũng hơn 100 USD/chiếc. Nếu ai muốn, tôi sẽ dẫn về Hưng yên, xem cả bộ sưu tập đèn của tôi". Ông " thần đèn" này sưu tập khá nhiều mẫu đèn dầu từ thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những chiếc đèn dầu của Trung Quốc, và cả những chiếc của bên Pháp thời Napoleon (?) ...Cầu kỳ hơn anh Thái còn chỉ cho tôi xem chiếc đèn dầu thuộc dạng hàng độc, nó được làm bằng thủy tinh màu tím, chân đèn làm bằng thiếc mạ bạc với giá vài triệu đồng. Chưa hết, ông " thần đèn " này sưu tập cả những hộp đựng than xách tay, dùng sưởi ấm của các quý bà thời phong kiến, những chiếc cơi trầu bằng đồng hun thẫm màu thời gian nhưng kiểu dáng độc đáo, những chiếc mâm đồng cầu kỳ và cả kèn trận (?)...


Khách tìm mua đồ cổ rất đông, giá cả người bán đưa ra mỗi người mỗi phách, được đưa lên tới trời. Hôm nay giá 1,2 trăm ngàn hôm sau đã lên đến vài trăm nếu không chịu giá mới chủ nhất định không bán.

http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39051_a8.jpg
khách đang chọn hàng.


Anh Lê Long bán hàng tại đây cười vui nói: "mình bán hàng ở đây không phải là lấy thêm thu nhập, mà mấy ngày cuối năm mở ra bán cho vui. Gặp khách quý giá nào mình cũng bán, thậm chí còn tặng không làm kỷ niệm".

Tạt vào một hàng bán đồ cổ, cầm một con Trâu bằng đồng lên hỏi là thế nào để biết đây là đồ cổ thì được trả lời ngay, đồ cổ là đồ cổ chứ là thế nào. Chưa hết khi hỏi đây là đồ của năm nào thì chủ chỉ ậm ừ rồi bảo đây là đồ mới nhập nên chưa tìm hiểu kỹ.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39052_a9.jpg
Chiều muộn khách vẫn còn xem hàng rất đông.

Phải kỳ kèo trả giá mãi mới mua được chú Trâu bằng đồng được giới thiệu là đồ cổ với giá 100.000 đồng, khi mà giá bán đưa ra 250 nghìn đồng, cầm ướm thử chú trâu này cũng nặng tới một cân.

Ông Nguyên Anh nhà ở phố Thái Hà tâm sự: năm nào mình cũng lên đây chọn mua một món đồ làm kỷ niệm. Năm ngoái mình mua được tượng một chú chó bằng đồng rất đẹp với giá 200.000 đồng. Năm nay phải mua kỳ được một chú lợn về bày năm mới.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39053_s5.jpg
Hàng gì cũng có.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39054_s4.jpg
Những món đồ cổ ở đây không biết thế nào là cổ.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39055_s7.jpg
Lấy lòng đường làm cửa hàng.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39057_s2.jpg
Chú lợn này được làm bằng đồng bọc bạc có giá 600 nghìn đồng.
http://www.vtc.vn/newsimage/original/vtc_39058_s3.jpg
Cặp lợn này có giá một triệu đồng
http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/lethangd/20070216/tet8.jpg
http://www2.vietbao.vn/images/vi65/phong-su/65120309-small_132857.JPG
Khách nước ngaòi cũng hào hứng xem đồ cổ Việt Nam

Một thú chơi lâu đời
Theo trí nhớ của bác Thao, chợ đồ cổ hàng Mã đã xuất hiện ở Hà Thành không dưới 30 năm, từ 22 đến 30 tháng Chạp. Bác Thao còn nhớ tới tên tuổi một vài người có tiếng buôn đồ cổ như: ông Ba Sỹ, bà Úc, ông Phụng, ông Tũn..."Những năm thời còn bao cấp, phố hàng Mã hai bên còn vắng vẻ lắm, nhưng phiên chợ đồ cổ thì hai bên đông nghẹt người. Các chủ hàng tứ xứ đem đồ cổ, đồ cũ đến bán. Dạo đó, làm gì có chỗ để gửi hàng, họ phải trải chiếu ăn ngủ và trông hàng ngay trên mặt phố", bác Thao kể lại. Là một thú chơi có sức hấp dẫn kỳ lạ, những người mua được món đồ thì háo hức như một điều gì may mắn, ngắm nghía cất giữ có khi hàng chục năm sau mới đem đi bán hoặc trao đổi lại. Còn người bán cũng kiếm thêm chút tiền đón xuân cho gia đình. Thời bao cấp đồ cổ thời Pháp bán rất nhiều và giá rẻ, chỉ vài chục năm gần đây giá mới cao và chợ thì bán đủ các loại đồ cổ, đồ giả cổ..."Có người mua cả mớ 9, 10 đồ nhưng chỉ 1 món là cổ thật thì cũng đành chấp nhận, nhưng vài năm sau nhờ nó được giá bán bù trừ cho cả những món kia...", theo lời anh Quất. Còn với anh Thắng, kỷ niệm với những buổi chợ năm xưa là lần bán đi món đồ ưng ý, dù lúc đó được giá nhưng... "nếu giữ tới bây giờ thì chắc sẽ được món hời lớn hơn nhiều, nói vậy chứ nghề này cũng chả biết thế nào" anh Thắng tâm sự.
Đa số những người bán hàng đồ cổ đa số là dân buôn đồ cổ sành sỏi trên phố Nghi Tàm (Hà Nội), nhưng cũng có người từ Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng đến bán hàng. Tham gia chợ phiên, vừa là dịp bán hàng cuối năm nhưng cũng là dịp để những người làm nghề có dịp hội ngộ trao đổi về kinh nghiệm và giới thiệu những sản phẩm sưu tập của mình.

http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/thutrangn/20080205/4a.JPG

truong3an
25-05-2012, 06:16 PM
Phố đồ cổ tại Huế - bảo tàng ngoài trời

Ra đời và tồn tại từ hơn 10 năm nay, “bảo tàng” đồ cổ vỉa hè là nơi tụ hội của tất cả đồ vật biểu hiện cho quá khứ: từ vật dụng của quan quân triều đình phong kiến đến quân dụng, tư trang của quân đội Pháp, Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.



Dân chơi đồ cổ xứ Huế không thể bỏ qua khu chợ vỉa hè này nếu muốn bổ sung cho bộ sưu tập của mình những món đồ độc. “Bảo tàng” vỉa hè này không chỉ đón những người chơi đồ cổ già, có tiền mà còn “tiếp” cả những cậu sinh viên mới ngấp nghé làm quen với những món đồ cũ.



Chủ nhân của “bảo tàng” đồ cổ độc nhất vô nhị này là ba người đàn ông tên Dương, Lập và Hoàng. Nhớ lại những ngày đầu mới mở, chú Nguyễn Văn Dương kể: “Đồ cổ mà bán vỉa hè ai dám tin. Đưa hàng ra rồi mang hàng về. Ngày đó người chơi không có kiến thức đồ cổ nhiều như bây giờ, họ sợ bị bịp nên thích tìm đến cửa hiệu. Nhưng cũng có vài ông khách sành chơi ghé mua. Về sau cửa hàng này khẳng định được “thương hiệu” vỉa hè, có uy tín trong giới đồ cổ”.



“Bảo tàng” chạy dài theo mép vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, là nơi ghé chân thường xuyên của các sinh viên kiến trúc, nghệ thuật. Một sinh viên tên Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Chúng tôi tìm đến đây vì phù hợp với túi tiền, thái độ mua bán lại vui vẻ. Sinh viên ra đây đông lắm”.



Với mỗi món đồ cổ khách chọn, chủ nhân “bảo tàng” lại say sưa thuyết trình về món đồ như một chuyên gia khảo cổ thực thụ. Anh Hồ Văn Lập bảo, giá trị đồ cổ không chỉ phụ thuộc vào niên đại mà còn phụ thuộc vào bốn yếu tố “dáng, da, toàn, thọ” của đồ.



“Bảo tàng” đường phố ngoài vật dụng thời phong kiến như chén bát, lư hương, bình hoa… còn là nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh như mũ, thẻ bài, áo dù, khẩu trang chống độc, bộ đàm… của quân đội Mỹ - Ngụy. Ngoài ra ở đây cũng bày bán rất nhiều bộ sưu tập tiền, tem cổ.



Anh Trần Minh Hoàng cho biết hàng bày bán ở đây được các anh mua gom từ các gia đình trong thành phố và vùng phụ cận. Anh cho biết dù là bán vỉa hè nhưng chỉ bán hàng tốt, hàng thật.



Anh kể nghề này thu nhập rất thất thường, ngày nào khá thì được 30-40 nghìn đồng; có ngày ế, khách chỉ đứng ngắm chứ không mua. “Thu nhập như thế, so với các nghề khác thì chả đáng gì, nhưng vì nặng tình với đồ cổ mà bám nghề”, anh Lập tâm sự.



Sự có mặt của “bảo tàng” đồ cổ đường phố đã tặng cho thành phố Huế một nét cổ kính, nhân văn và nhuốm màu lịch sử.


http://www.hue.vnn.vn/dataimages/normal/images21045_doco070804.jpg


Đến Huế, nếu tò mò, đành phải gạt “tâm hồn ăn uống” sang một bên, ta ghé lại đoạn vỉa hè ven phố Trần Hưng Đạo ấy xem người ta bày bán thứ gì mà lặt vặt, mà tỉ mỉ nhường kia. Bên cạnh mấy món đồ bình, lọ bằng đất nung còn có thật nhiều chén bát, đồ đồng, đồ sứ… Giọng Huế của chàng trai bán hàng khiến ta không thể không dừng xe, tắt máy: “Vô coi đồ cổ đi mấy chú! Toàn đồ nội phủ đó!”…
Đồ cổ bình dân
http://www.hue.vnn.vn/dataimages/normal/images21047_doco1_070804.jpg

Những món đồ cổ được bày bán trên vỉa hè
Đoạn vỉa hè râm mát, những món đồ cũ kỹ, nhỏ xinh nằm im lìm làm không khí chung quanh đoạn phố càng như yên tĩnh thêm. Chỉ có hai “cửa hàng” như thế trên phố Trần Hưng Đạo trên vỉa hè của thành phố Huế. Bày bán ngay trên những tấm nilon cách nhau một quãng chừng 500m, hai ông chủ trẻ dường như thèm người để nói chuyện. Vừa nhác thấy bóng người dừng xe, không kể già hay trẻ, là tiến tới thuyết minh liền: “Cách đây hơn 400 năm, tức năm 1601 đó chú, tiên chúa Nguyễn Hoàng đã không nhầm khi quyết định dừng vó ngựa bên bờ Linh Giang. Linh Giang chính là con sông Hương đằng ni kìa…” Thật kỳ lạ, lịch sử của một xứ Đàng Trong mà ngay một người dân bình thường cũng thuộc như thuộc đường chỉ trên lòng bàn tay. Chàng thanh niên khoảng 27, 28 tuổi cười hiền lành: “Giỏi giang chi mô, chú. Con làm nghề này thì phải đọc sách, phải tìm hiểu thôi, con còn có thể kể cho chú lai lịch của từng món đồ ở đây kìa…” Trên nền gạch lát vỉa hè cũ xỉn, trong thấp thoáng bóng nắng chiếu qua vòm lá, những chén, đĩa, bát, lọ, bình, ấm, âu, liễn, nậm, hũ… tỏa ra một thứ sức hút kỳ lạ, sức hấp dẫn của thời gian và những thăng trầm lịch sử. Rồi còn cả bình vôi, điếu bát bằng gốm bịt đồng tinh xảo, những thứ mà thanh niên thời nay có nhìn thấy chưa chắc đã biết gọi tên. Khiêm tốn hơn, ở một góc là “đồ cổ của Tây” bao gồm tẩu thuốc, huân chương, mặt dây chuyền, thìa đĩa, bật lửa…, hầu hết là bằng đồng.
http://www.hue.vnn.vn/dataimages/normal/images21049_doco2_070804.jpg


Giá cả tùy từng loại, có mặt dây chuyền hình nữ thần mặt trời giá 40.000 đồng, có những chiếc đĩa lam vẽ hình hoa cúc, chuồn chuồn, chữ Thọ… giá từ 300.000 – 500.000 đồng. Đôi khi, chỉ thỉnh thoảng thôi, anh chủ hàng tìm được một chiếc bình quý của người Chăm, hay bình men ngọc của đời Lý, bán được tới gần chục triệu. “Đồ cổ thiệt chứ không phải là đồ giả mô chú! Món “trẻ” nhất của con ở đây cũng trên trăm tuổi rồi, con không nói giỡn chơi đâu. Giá rẻ bèo vậy là có lý do. Đây là những món đồ lâu đời, nhiều tuổi, nhưng là những vật dụng của người dân thường, những đồ dùng sinh hoạt của người dân trong cuộc sống hàng ngày, hoặc là đồ nội phủ, tức là đồ dùng trong những gia đình quan lại, chứ không phải là đồ Ngự dụng, không phải đồ trong cung cấm. Những đồ dùng của vua chúa, hoàng hậu, hoàng phi đó bày bán trong các cửa hiệu to, giá cả cũng “to” luôn đó chú…”. Bên cạnh chúng tôi, một cụ già tóc bạc dường như không để tâm lắm đến lời giới thiệu của cậu bán hàng trẻ tuổi. Cụ đang nâng trong tay một chiếc điếu bát có viền bằng đồng chạm, soi lên trong nắng. Trước đôi mắt mờ đục đang nheo lại xa xăm, món đồ dường như lung linh, bí ấn…
Góc phố ngược thời gian
http://www.hue.vnn.vn/dataimages/normal/images21051_doco3_070804.jpg


Đợi lúc vắng khách, chàng trai kể: Nhà anh có 10 chiếc ghe, thuê một đội thợ để chuyên đi mò đồ cổ. Ghe thuyền đi khắp nơi, có chiếc ngược lên tận Hải Dương, Vân Đồn, có chiếc chuyên quanh quẩn ở vùng Cửa Đại… Người thợ lặn đeo kính, tay cầm một mảnh thiếc, lặn xuống thiệt sâu ở những nơi có nước xoáy, hy vọng mảnh thiếc chạm vào được vào một vật gì phát ra tiếng kêu thanh thanh… Bán những món đồ cổ bình dân này, lời lãi không cao, chỉ đủ chi trả cho ghe thuyền và đội thợ. Muốn bán có lời thì phải thuê được cửa hiệu, phải có đường dây chuyên giới thiệu khách ham sưu tầm. Nhiều người rất thích đồ cổ của thường dân, nhưng những nhà sưu tầm lớn, những người lắm tiền thì lại chỉ tìm mua đồ ngự dụng thôi. Với lại, khách hàng toàn là người am hiểu, hoặc là khách quen, nên anh không dám nói thách… “Nhưng cái nghề này cũng ngộ lắm đó chú. Con đọc nhiều sách, đọc cả tạp chí Cổ vật tinh hoa, riết rồi hình như… thông minh ra,” chàng trai cười và ngượng nghịu gãi đầu. “Có nhiều lúc, kiếm được chiếc bình hay lọ hoa quý mà bị bể, bị khuyết một miếng, con ngứa chân ngứa tay đem sửa lại. Con mài đi cho bớt sứt sẹo, hay mang đi bịt đồng, hoặc nhờ thợ gốm vá lại… Tưởng vậy thì ngon ăn hơn, ai dè khách mua lại chê. Họ thích những món đồ còn nguyên vết thời gian, còn chân thật kia. Chỉ “giả” một chút là cũng không ai thích đâu, chú ạ…”.
Lục lại chút kiến thức lịch sử còn sót lại trong đầu, chúng tôi nhớ rằng gốm sứ Đại Việt nổi tiếng với ba dòng gốm men chính, là: gốm men ngọc thời Lý, gốm men mầu ngà hoa nâu thời Trần và gốm men trắng hoa lam thời Lê. Tại góc vỉa hè dường như bị thế gian lãng quên này, những đại biểu bình dân của một thời quá khứ xa xưa ấy vẫn hiện diện. Có những chiếc đĩa trang trí hoa dây, hoa mẫu đơn hay hoa sen nét vẽ rất giản dị mà tinh xảo, lòng đĩa hơi rạn vết chân chim. Những chiếc bình của người Chàm, không hiểu ngày xa xưa nó có công dụng chính là gì mà kích thước nhỏ xíu xiu, bằng đất nung mầu còn nâu tươi như mới. Các kiểu bật lửa, tẩu thuốc theo những chuyến tàu viễn dương đầu tiên đến Việt Nam, giờ vẫn còn lấp lánh ánh kim loại, trông như bằng vàng. Những món đồ cũ kỹ, mờ xỉn, sứt sẹo, những chiếc bát mà hàng trăm năm trước có một người dân bình thường nào đó đã dùng sao thấy chúng đáng quý, đáng trân trọng đến thế.

vat_99
25-05-2012, 06:16 PM
Phố đồ cổ tại Saigon
Đường Lê công Kiều – Nằm sau đại lộ Hàm Nghi thuộc phường Nguyễn Thái Bình, Q.1. Một con phố nhỏ chỉ dài hơn 200m nhưng đã nổi tiếng nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều du khách và những người yêu thích sưu tầm đồ cổ – phố Lê Công Kiều.
Phố đồ trưng bày đủ thứ từ những bức tượng đồng, cái điện thoại cổ, cái máy chụp ảnh cổ, bộ bàn ghế, …. Tuy nhiên ít ai biết trong số các đồ “cổ” đó chỉ có chừng 10-15% là đồ cổ thật còn lại la các sản phẩm giả cổ được cung cấp bởi các lò gốm Bát Tràng, Giang Tây (Trung Quốc); các cơ sở đồ đá ở Bình Định, Đà Nẵng; các xưởng mộc ở đường Cộng Hòa (TP.HCM), Đức Huệ (Long An)… Cũng chính vì lý do đó mà trừ những đồ cổ chính hiệu thì giá cả tùy thuộc vào sự quý hiếm, niên đại, sự am hiểu và yêu thích của khách hàng, còn lại đồ giả cổ đều đã có mức giá nhất định, cho nên người đi mua không phải lo âu về tình trạng “thách” giá.
Rất nhiều chủ các nhà hàng khách sạn đến phố này để tìm mua đồ trang trí cho khách sạn, nhà hàng của mình.
Năm 2000 trong chuyến thăm Việt Nam, bà Hillary Clinton- phu nhân Tổng thống Mỹ đã đến phố đồ cổ này và say sưa ngắm những chiếc độc bình Trung Quốc. Đến khi chủ tiệm cho biết đây chỉ là …đồ sứ Giang Tây giả cổ, bà mới “vỡ lẽ” và thích thú mua nó làm kỷ niệm.
Một số hình ảnh về Phố Lê Công Kiều
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0016.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0014.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0015.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0013.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0012.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0010.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0009.jpg
http://i491.photobucket.com/albums/rr276/dulichbonmua/IMG_0008.jpg

trinhqtoan
25-05-2012, 06:16 PM
Cảm ơn chị zin đã dầy công sưu tập. Cho an hem mở rộng tầm mắt.
NHiều đồ đẹp quá.