SangNhuong.com

 
 
 

  
Quay lại   CHỢ ĐỒ CỔ VIỆT NAM > Chơi đồ cổ - Thảo luận chung > Vài lời cùng anh em
Tên truy cập
Mật khẩu
  

Trả lời
 
Các chức năng Tìm kiếm trong chủ đề này Kiểu hiển thị
  #1  
Old 25-05-2012, 06:17 PM
nhodt nhodt is online now
Member
 
Ngày tham gia: May 2012
Bài viết: 64
Mặc định Săn đồng hồ cổ : Hãy cẩn thận

Với người này, đồng hồ là đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống thì người khác lại là một thú chơi tao nhã. Bây giờ tìm một chiếc đồng hồ Thuỵ Sỹ hiệu OMEGA không khó nhưng một thời, nó là thước đo cho sự giàu có và chỉ dành cho nhưng người có của ăn của để.

Muốn chơi thì phải nghiến răng!


Đồng hồ OMEGA

Ngày nay, một chiếc đồng hồ hàng hiệu trị giá tính bằng hàng chục ngàn USD vẫn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ một trung tâm thương mại, một siêu thị hoặc một cửa hàng đồng hồ lớn nào đó ở các thành phố lớn. Nhưng có không ít người lại sẵn sàng và chỉ muốn dùng số tiền ấy để mua một chiếc đồng hồ cổ lỗ sĩ đã có tuổi thọ hàng trăm năm.

Ông Lê Tân ở Lạng Sơn, một người có tiếng trong giới "sở hữu" đồng hồ cổ còn nhớ mãi câu chuyện: Năm 1942, khi ông Tân mới 14 tuổi. Cụ thân sinh đưa ông ra cửa hàng Gôđa (sau này trở thành Bách hoá tổng hợp và bây giờ là Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza Hà Nội), nơi duy nhất bán đồng hồ Thuỵ Sỹ. Tay bán hàng người Pháp thấy hai cha con người Việt "không thuộc lớp quý tộc" lộ rõ vẻ mặt coi thường, hất hàm nói: "Người An Nam có tiền không mà vào đây mua đồ?".

"Ức" quá, cụ thân sinh của ông Tân thể hiện một tràng tiếng Pháp làm tay bán hàng... tím mặt. Để chứng minh rằng người An Nam cũng chẳng thua kém ai, cụ thân sinh của ông Tân chọn mua một chiếc đồng hồ hiệu OMEGA của Thuỵ Sỹ cũng là chiếc đẹp nhất và đắt nhất trong cửa hàng tặng cho con trai. Chiếc đồng hồ đó đã gắn liền với ông Tân suốt tuổi thanh xuân và đi cùng ông qua hai cuộc kháng chiến. Nó trở thành một kỷ vật vô giá với ông và cả gia đình. Hơn 60 năm trôi qua, trong bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Tân, chiếc đồng hồ OMEGA thuở nào vẫn luôn được ông nâng niu, trân trọng.

Giới sưu tầm đồng hồ cổ ở Hà Nội truyền miệng nhau câu chuyện về chiếc đồng hồ nữ hiệu Mirama (Thuỵ Sỹ) của anh Quốc Trịnh ở phố Hàng Đào. Sau khi "lỡ" bán đi chiếc đồng hồ cổ này, cả hai vợ chồng đều ngẩn ngơ vì... tiếc. Bàn đi tính lại, hai người quyết định gom tiền đi chuộc về. Nhưng người mua đâu có dễ bỏ qua cơ hội kiếm tiền này. Nói khó mãi, dù người mua lại là chỗ quen biết, cuối cùng anh Trịnh chấp nhận bỏ ra hơn 1.000USD để chuộc lại chiếc đồng hồ nạm vàng và kim cương trong "phút nông nổi" đã về tay người khác. Dù số tiền đó không nhỏ và gấp đôi giá trị của chiếc đồng hồ kia nhưng anh Trịnh vẫn "nghiến răng" xin chuộc lại. Ngoài chiếc đồng hồ vô giá đó, anh Trịnh còn có một bộ sưu tập đồng hổ cổ có giá mà ngay trong giới sưu tầm đồng hồ cổ Hà Nội cũng phải kính nể. Trong số đó có chiếc đồng hồ hiệu Kundo của Đức mỗi lần lên dây có thể chạy liên tục 365 ngày trong năm hay chiếc Rolex đính hạt xoàn độc nhất vô nhị.

Thế giới của những chiếc bánh răng cưa nhỏ xíu

Đã là dân chơi đồng hồ, hẳn ai cũng phải nắm rõ những địa chỉ luôn có sẵn hàng "độc", dù nơi ấy có "trốn" trong ngõ ngách và khó tìm đến đâu đi nữa.

Ở Sài Gòn, đó là phố Lê Công Kiều. Dân mê đồ cổ đều thuộc nằm lòng từng cửa hàng trên con phố đi bộ chuyên bán đồ cổ nổi tiếng nhất TP. HCM. Con phố dài vài trăm mét này nằm ở quận Nhất, quá bé nhỏ nhưng lại là điểm hẹn của những người muốn tìm lại những giá trị cũ. Tất nhiên, khu phố này không thể thiếu những gian hàng dày đặc dành cho đồng hồ cổ với những chiếc đồng hồ ra đời từ đầu thế kỷ, từ đồng hồ quả lắc đến quả quýt, để bàn... Lê Công Kiều biến thành "phố đồ cổ", một địa chỉ hiếm có giữa cái sôi động và tráng lệ của đất Sài Gòn từ sau thời kỳ đổi mới. Người mua hàng rất đa dạng nhưng khách du lịch nước ngoài vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn. Nhưng, do nhu cầu mua đồ cổ quá cao nên khu phố này đã xuất hiện rất nhiều đồ giả cổ được gia công rất tinh xảo. Không ít tay chơi đã già đời, lọc lõi mà vẫn ngậm đắng nuốt cay khi phát hiện ra mình đã đổ hàng đống tiền cho một chiếc đồng hồ vô giá trị.


Đồng hồ quả quýt cổ bằng vàng.

Còn ở Hà Nội, bây giờ muốn tìm một cửa hàng chuyên bán đồng hồ cổ cũng không phải chuyện dễ. Phố Hàng Đào vốn được mệnh danh là "phố đồng hồ" với những cửa hàng san sát nhau nhưng chủ yếu là bán đồng hồ mới. Cửa hàng bán đồng hồ cổ ở phố Hàng Khay trước đây cũng nhanh chóng biến thành hiệu đồng hồ New Watch với những kiểu dáng hiện đại. Một số cửa hàng bán đồ lưu niệm gần đó cũng chỉ dành một góc cho đồng hồ để còn nhường chỗ cho tranh ảnh - những đồ souvenir bán chạy dành cho khách du lịch.

Vậy nên, muốn lùng một chiếc đồng hồ cổ, dân chơi Hà Nội chỉ có thể tìm đến những người thợ sửa đồng hồ già trong những cửa hiệu nhỏ xíu và cũ kỹ, những người đã gắn cả cuộc đời với những bánh xe răng cưa và những tiếng tíc tắc của đồng hồ. Một trong những người như vậy là ông Khôi "đồng hồ". Sau một năm học nghề, ông Khôi bắt đầu sửa chữa đồng hồ từ đầu năm 1955. Trong suốt 35 năm trời, ông Khôi đã ngày ngày cặm cụi bên chiếc tủ đồng hồ nhỏ xíu giữa phố Khâm Thiên. Những năm 1950 - 1960, cả phố chỉ có mỗi ông Khôi làm nghề sửa chữa đồng hồ. Cái tên "Khôi đồng hồ" ra đời từ đó. Thời đó, việc tìm kiếm phụ tùng thay thế những chi tiết hỏng hóc trong máy rất khó, ông Khôi phải tự mày mò gia công. Vừa sửa chữa đồng hồ, chừng 100 chiếc/tháng, ông Khôi vừa buôn bán đông hồ, một công việc mà theo ông rất nhẹ nhàng và cũng kiếm được tiền. Có không ít lần ông Khôi vớ bở, nhiều người không biết mình đang sở hữu chiếc đồng hồ nạm vàng mang đến bán với giá rẻ, ông Khôi mua lại sau đó bỏ máy đi, lấy vàng mang đi bán.


Đồng hồ đeo tay nạm vàng và kim cương.

Đam mê đồng hồ là vậy nhưng ông Khôi lại không có thói quen sưu tập đồng hồ. Bây giờ ông chỉ giữ lại một chiếc đồng hồ để bàn cổ của Pháp như một vật kỷ niệm ghi nhớ một thời gian dài sống cùng những chiếc đồng hồ cổ. Ông Khôi có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để thao thao bất tuyệt về các loại đồng hồ kỹ đến từng chi tiết. Ông cho biết: "Có những chiếc đồng hồ ra đời từ đầu thế kỷ trước cực kỳ khó sửa vì nó chạy bằng xi-lanh, truyền luôn lực vào bánh xe gai. Phần lớn loại đồng hồ này không có phụ tùng thay thế và cũng không có ai sửa nổi". Nhắc đến thợ sửa đồng hồ cổ thì cụ Thọ "bốn mùa" (vì ông ngồi cạnh hiệu kem Bốn mùa nổi tiếng nhất Hà Nội) luôn được giới sưu tầm đồng hồ cổ đánh giá cao với khả năng "nghe tiếng máy để bắt bệnh đồng hồ". Tiếc rằng cụ Thọ đã mất. Tuy nhiên, thợ sửa đồng hồ có tiếng ở Hà Nội còn có ông Hoan ở Hàng Chuối, anh Thịnh ở Hàng Gà. Với họ, những người "chế ngự thời gian", sửa đồng hồ là kế sinh nhai và là thú chơi tao nhã.

Các đại gia "săn" đồng hồ loại nào?

Đồng hồ cổ ở Việt Nam có thể chia làm 4 loại: đeo tay, treo tường, để bàn và đồng hồ quả quít chủ yếu của các hãng châu Âu như: OMEGA, Kundo, Petak, Phillippe, Kan, Rolex... Tất nhiên, giá đồng hồ cổ cũng đa dạng không kém kiểu dáng của chúng.

Nói đến đồng hồ đeo tay, trong những năm 1960, 1970 và 1980 của thế kỉ trước, các nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sỹ luôn chiếm được vị trí số một trong lòng những dân chơi đồng hồ, mặc dù giá cả của chúng khá "chát". Xếp hàng sau đó là đồng hồ Seiko (Nhật Bản) với giá lên đến vài cây vàng trong thời hoàng kim (1975 - 1976). Thời kỳ đó, Seiko là một tiêu chuẩn vàng trong những tiêu chuẩn để các người đẹp chọn ý trung nhân cho mình: "Một - yêu anh có Seiko, hai - yêu anh có Peugeot cá váng... " Thời gian vùn vụt trôi đi, hàng trăm nhãn hiệu đồng hồ mới ra đời với chất lượng và kiểu dáng đều đáng xếp vào hàng "sành điệu". Tuy thế, đối với những người say và coi đồng hồ cổ như một người tình quyến rũ thì không có bất kỳ loại đồng hồ nào có khả năng thay thế vị trí của OMEGA (Thuỵ Sỹ) trong trái tim họ.





Những chi tiết tinh xảo.

Ngoài đồng hồ đeo tay, đồng hồ quả quýt cũng có một vị thế rất quan trọng trong giới chơi đồng hồ cổ. Một thời, chiếc đồng hồ quả quýt luôn gắn liền với những trí thức giàu có. Một chiếc đồng hồ quả lắc bằng vàng bỏ gọn trong túi với chiếc dây xinh xắn là niềm tự hào của chủ nhân. Với những con người từng sống dưới thời "đồng hồ là của hiếm" thì chiếc máy đo thời gian gắn với một thời xa xưa là thứ quý giá không thể thay thế. Thời gian gần đây, các cụ già đang có xu hướng sưu tầm đồng hồ quả quýt như là một thú chơi hấp dẫn.

Trong thế kỷ 20, đồng hồ quả lắc hiệu Odo của Pháp sản xuất từ những năm 1950 cũng rất có tiếng tăm. Bởi, đây cũng là loại đồng hồ treo tường "xịn" nhất. Còn nhớ, khi tôi còn bé xíu, chiếc đồng hồ quả lắc hiệu Odo của ông nội tôi đã trở nên cũ kỹ. Cứ 15 phút 1 lần, nó lại đánh chuông. Chừng 10 ngày, ông tôi lại bắc thang lên lôi cái đồng hồ xuống để lên giây cót. Sau này, khi ông nội mất và cả gia đình chuyển đi khỏi phố Khâm Thiên, chiếc đồng hồ cổ có tuổi thọ nửa thế kỷ cũng... biến mất.

"Cận cảnh" đồng hồ cổ







(Theo vietnamnet.vn)
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Các chức năng Tìm kiếm trong chủ đề này
Tìm kiếm trong chủ đề này:

Tìm kiếm nâng cao
Kiểu hiển thị

Chức năng
Bạn không được gửi chủ đề mới
Bạn không được gửi bài trả lời
Bạn không được gửi kèm file
Bạn không được sửa bài của mình

vB code: Bật
Smilies: Bật
[IMG] code: Bật
HTML code: Tắt
Di chuyển


.: Diễn đàn xây dựng bởi: SangNhuong.com

Các múi giờ đều là GMT +7. Bây giờ là 01:25 PM.