SangNhuong.com

 
 
 

  
Quay lại   CHỢ ĐỒ CỔ VIỆT NAM > Chơi đồ cổ - Thảo luận chung > Vài lời cùng anh em
Tên truy cập
Mật khẩu
  

Trả lời
 
Các chức năng Tìm kiếm trong chủ đề này Kiểu hiển thị
  #1  
Old 23-05-2012, 10:34 AM
thanhhungjsc thanhhungjsc is online now
Junior Member
 
Ngày tham gia: May 2012
Bài viết: 15
Mặc định Tận cùng sự chơi

Sự chơi không có tận cùng nhưng cũng có những cảnh giới nhất định, tuỳ từng người, từng hoàn cảnh.

Ngày tôi mới lên Hà Nội, cách đây chừng năm mươi năm, hay vào làng Ngọc Hà, chơi với cụ Trưởng Trường, nghề chơi nổi tiếng, không phải là nhiều thứ chơi, mà là cách chơi, thật tài tử, thâm thuý, chân tình.
Minh hoạ của hoạ sĩ nguyễn khánh toàn
Cụ thường nói với tôi: Thú chơi cũng là một phần văn minh mà chúng ta tự hào thừa hưởng của tổ tiên - một nền văn minh tâm cảm, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa dung thông vạn vật, vừa dưỡng sinh với ý nghĩa là nuôi dưỡng đời mình…
Gia tư cụ Trưởng chỉ vào cỡ trung bình, có một mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà, nuôi mấy lồng chim, mươi giỏ phong lan, cây cảnh. Trong nhà có chiếc tủ gỗ bày dăm món cổ vật, vài bộ sách cũ quý hiếm.
Về chuyện chơi chim Sơn ca, cụ Trưởng kể: Sơn ca tiếng hót rất hay, có thói quen mỗi sáng bay vút lên từ đụn cát, lên cao buông tiếng hót, hết một nhịp lại đỗ xuống đúng chỗ cũ.
Người chơi Sơn ca ban đêm đào một cái hố bên đụn cát, nằm xuống phủ cát kín khắp người, chỉ hở hai con mắt, đợi cho Sơn ca hót xong, đỗ xuống đụn cát, bất ngờ túm được chim. Lồng nuôi Sơn ca phải làm cao. Đáy lồng rải cát, có cái trụ hình nấm cho chim bay lên hót xong đỗ xuống. Chim ăn hạt cỏ lồng vực, thỉnh thoảng phải lội ruộng, hái hạt cỏ về phơi khô cho chim ăn dần. Ông Cả Phúc trong làng có đôi Sơn ca tuyệt hay, gốc ở Tiên Yên, Ba Chẽ, Quảng Ninh, nuôi từ khi còn non, cũng được mươi năm.
Mỗi sáng thả ra, bay vụt lên trời, hót xong, lại đỗ xuống nóc lồng. Sáng nào, ông Phúc cũng mang lồng Sơn ca ra bờ hồ để thả. Không may một hôm có chiếc xe máy đi qua, bất ngờ rú ga, chim vừa ra khỏi lồng, sợ quá bay vụt đi mất. Ông Phúc buồn bã mấy ngày, ngắm con chim còn lại ủ ê trong lồng, bỏ ăn, không chịu hót.
Một sáng ông Phúc thả cho chim bay đi: Cho chúng nó tìm nhau. Chim nuôi lâu cũng giống như người, không có tri âm, chúng không hót được. Chơi như cụ Phúc là cách chơi tâm cảm, với triết lý nhân sinh sống là để cho sống, với cả tấm lòng, không chỉ với con người mà cả chim chóc, muôn loài.

Người bây giờ thích chơi cái gì cũng to, cũng nhiều, đua nhau hoành tráng. Ở chợ chim, người ta đánh bẫy, bán cả đàn, như chim thịt. Hiếm có chim chơi, con chim tuyệt nghệ càng khó tìm hơn. Cây cảnh cũng vậy, nhà đại gia thích cây to cổ thụ chở từ rừng về. Tôi đã thấy những cây lộc vừng, cây thiết mộc lan, gốc to bằng người ôm, giồng làm cảnh. Sợ nhất vào dịp Tết, người ta chơi đào cả cây, rợp một góc chợ.
Đào đá Sapa, đào Tây Bắc, đào Mẫu Sơn, đào Quảng Ninh… toàn nơi danh thắng, chặt cả cây đào khuân về, để chật một gian phòng khách. Cây nào chậm ra hoa, trơ trụi như một cây khô, phơi ra đến hết Giêng, phải thuê người khuân, vứt ra ngoài đường, khổ cho người dọn rác.
“Đào hoa lưu thuỷ cánh hà chi”. Hoa đào nước chảy biết về đâu? Cứ chơi như vậy, chẳng mấy chốc mùa xuân về, rừng sẽ hết sạch hoa đào. Cụ Trưởng kể về một người chơi đào nổi tiếng là cụ Chí Thành, có con mắt tinh đời, mỗi Tết ra chợ đều chọn được một cành đào tuyệt đẹp, ai cũng khâm phục. Nhiều người lẽo đẽo đi theo ông cụ ngoài chợ, định bụng thấy ông cụ mặc cả cành đào nào là mua hớt.
Thế rồi thoáng chốc không biết cụ đi đằng nào, lúc gặp lại ngoài phố, đã thấy cụ đang rước một cành đào đẹp nhất chợ. Cụ Trưởng bảo: Cái chơi của cụ Chí Thành là “Cảm thần chi tượng”, gặp được cái thần của hoa, đấy mới là cách chơi tuyệt nghệ, chẳng cần ganh đua với ai.
Chơi đồ sành cổ cũng vậy, nhất là đồ Việt. Đồ sành linh lắm, vỡ ra từng mảnh vẫn còn linh. Cụ Trưởng nói với tôi: Phò mã Nguyễn Văn Trị - con rể vua Quang Trung có bài thơ “Miểng sành”: Sa cơ một chút hoá tan tành / Thiên hạ đều kêu cái miểng sành / Sắc lẻm như gươm người gớm mặt / Rán sao ra mỡ chúng hay danh…”.
Các nhà sưu tầm cổ vật giờ cũng nhiều. Không dám lạm bàn về sự chơi. Nhưng cũng chỉ mong đừng biến thú chơi tao nhã, thành chuyện buôn bán ra nước ngoài, thật đáng tiếc. Mỗi cổ vật đều chứa đựng một hình bóng, một câu chuyện lịch sử, mà mỗi khi “thanh tâm đại định” lại thấy hiện ra.
Đi lên Tân Ấp, miền tây Quảng Bình, nơi ở của đồng bào Tà Ôi, Vân Kiều, có thể gặp nhiều di vật của Đức Hàm Nghi khi người rời kinh đô Huế lên đây khoảng năm 1885, rải rác trong dân gian, nhiều quý vật.
Đi điền dã, sưu tầm là công việc khảo cổ của các nhà sử học, nhưng cũng là một thú chơi không gì so sánh được, với tâm hồn nghệ sĩ “Đi tìm thời gian đã mất” (mượn tên tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871 - 1922) “Đi tìm thời gian đã mất” (À la recherche du temps perdu). Lại nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng, lúc sinh thời, ai cũng nhận ra tính cách nghệ sĩ của ông.
Sưu tầm tượng Việt cổ cũng là một điều thú vị, một cách chơi riêng biệt, vừa bảo tồn quốc tuý, vừa di dưỡng cái văn minh tâm cảm. Ở thế kỷ thứ 18, cách đây khoảng 300 năm, số dân lúc ấy cỡ trên dưới 9 triệu người, số tượng ở các đền chùa là 3 triệu, khoảng 1/3 dân số là tượng! Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, uống rượu say, thích ngồi một mình với tượng, nói với tôi: Người nói với tượng lúc nào cũng được, nhưng tượng chỉ nói với người khi thấy người thật quá cô đơn! Tôi đã ghi câu này của ông trong bộ phim tư liệu “Bí ẩn những pho tượng cổ”, khi Thái Bá Vân còn sống.
Ngày nay những nhà chơi âm thanh, gia đình có điều kiện có thể sắm những dàn âm thanh hàng tỉ đồng, thật tuyệt diệu. Nhưng nếu chỉ có một cây đàn nguyệt mà đem hết tâm hồn mình để lắng nghe tiếng đàn của bạn tri âm thì cũng đạt đến cõi tận cùng. “Đường làng không tiện xe / Sớm mai người hãy trảy / Cây nguyệt nằm suông mãi / Tôi xin đàn người nghe…” (Thú quê - Nguyễn Bính).
Cụ Trưởng Trường nuôi chim yến, biết ươm cho chim sinh sôi nảy nở, thành giống chim có giọng hót hay cực kỳ. Khách chơi khắp nơi kéo đến nhà cụ thưởng thức, trầm trồ. Nhiều bậc lãnh đạo quyền quý, các nhà văn hoá, trí thức, nghệ sĩ tên tuổi, vì mê chim yến, cũng đến nhà cụ thăm hỏi, trân trọng. Ông cụ đọc kinh Hoa Nghiêm rồi hỏi tôi: “Tận cùng sự chơi là gì? là Hư Vô! Tận cùng Hư Vô là gì? là Nghệ sĩ!”
Đào Trọng Khánh

__________________
Người sưu tầm đồ cổ yêu vợ nhiều hơn lúc về già
Trả lời với trích dẫn


Trả lời


Các chức năng Tìm kiếm trong chủ đề này
Tìm kiếm trong chủ đề này:

Tìm kiếm nâng cao
Kiểu hiển thị

Chức năng
Bạn không được gửi chủ đề mới
Bạn không được gửi bài trả lời
Bạn không được gửi kèm file
Bạn không được sửa bài của mình

vB code: Bật
Smilies: Bật
[IMG] code: Bật
HTML code: Tắt
Di chuyển


.: Diễn đàn xây dựng bởi: SangNhuong.com

Các múi giờ đều là GMT +7. Bây giờ là 12:06 AM.